PHẬT GIÁO HÒA HẢO
LUẬN GIẢI
Quyển thứ hai "KỆ DÂN CỦA NGƯỜI KHÙNG"
Của
ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ
LUẬN GIẢ:
Cư sĩ Hồ Minh Châu & Thái Hòa
LỜI TỰA
--- oOo ---
Ngày 12 tháng 9 năm 1939 Đức Thầy viết Quyển KỆ DÂN của NGƯỜI KHÙNG, 476 câu, tức quyển thứ nhì, mở đầu bằng mấy dòng thơ dào dạt tình thương:
Ngồi Khùng trí đoái nhìn cuộc thế,
Thấy dân mang sưu thuế mà thương …
... Thương hại bấy lê dân đứt ruột
Thảm vợ con đói rách đùm đeo …
Ngài xót xa trước một xã hội đảo điên, đang trên đà băng hoại:
… Cuộc dương thế ngày nay mỏng mảnh
Mà sang giàu còn hiếp nghèo nàn …
… Học ai mà ngang ngược nhiều lời,
Phụ mẹ cha, khinh dể Phật Trời …
… Hiếm những kẻ không nhà không đất
Mà sang giàu chẳng xót thương giùm
Có lỡ lầm chưởi mắng um sùm
Thêm đánh đập khác nào con vật
Ăn không hết lo dành lo cất
Đem bạc trăm cúng Phật làm chi ?
… Chẳng làm phước để làm hung dữ
Rồi vào chùa lạy Phật mà trừ …
Phật Giáo ra đời với mục đích mang tình thương và hạnh phúc cho con người. Trong xã hội mà vấn đề giáo dục bị xem thường thì đạo đức sẽ lần hồi vắng bóng, đó là nỗi bất hạnh và mối nguy lớn cho xã hội, vì vậy, Đức Thầy tha thiết:
… Trung với hiếu ta nên trau trỉa,
Hiền với lương bổn đạo rèn lòng ...
... Hãy thương xót những người tàn tật
Thấy nghèo hèn chớ khá khinh cười ...
... Ráng giữ gìn phong hoá nước nhà
Câu tam tùng bọn gái nước ta
Chữ hiếu nghĩa trẻ trai cho vẹn ...
... Trai nhỏ tuổi kính thành trưởng lão
Gái bé thơ biết trọng tuổi già ...
Phần đông người đời cũng như một số không ít tu sĩ chưa nhận diện được đạo Phật là đạo giác ngộ, giáo lý của Đức Thế Tôn dạy tỉnh thức nội tâm, phát triển tinh thần và thăng hoa trí huệ.
Để làm sáng tỏ hoài bảo của Đức Thế Tôn, Đức Thầy thắp lên ngọn đuốc chánh pháp nhằm xoá tan màn mê tối, xây dựng lại nếp sống Phật giáo:
… Học tả đạo làm điều tà mị
Theo dị đoan cúng kiếng tinh tà ...
… Tu hành mà vị kỷ quá chừng
... Tu vô vi chớ cúng chè xôi
Phật chẳng muốn chúng sanh lo lót …
... Kẻ vinh hoa phú quí giàu sang,
Mướn tăng chúng đặng làm chữ hiếu ...
... Kẻ nghèo khó tu hành ngay thẳng
Không cầu siêu Phật bỏ hay sao ?
… Tham, Sân, Si chớ để trong lòng
… Phải giữ lòng cho được sạch trong ..
… Đạo Thích Ca nhiều nẻo cao sâu
Hãy tìm kiếm cái không mới có …
… Phật tại tâm chớ có đâu xa
Mà tìm kiếm ở trên Non Núi …
Vì kiếp nhân sinh ngắn ngủi nên con người mới nuôi nhiều dục vọng, đó là nguồn gốc của mọi khổ đau, chỉ có trí huệ mới phá tan và tiêu diệt được màn mê tối do dục vọng ngăn che. Nên Đức Thầy dạy tránh việc ác, làm điều lành, giữ gìn tâm ý phẳng lặng, sạch trong cho trí huệ phát sinh, khi trí huệ hiển lộ người học Phật mới thấy được tâm chúng sanh và chơn tánh của mình. Tâm chơn chánh là tâm Phật mà từ lâu bị bỏ quên, bị lu mờ bởi dục vọng, bởi mê tối, nay nhờ trí huệ thăng hoa mới soi sáng tâm Phật vốn mình sẵn có, khỏi tìm kiếm nơi non núi.
Kinh Pháp Cú, câu 42 : "Không có kẻ thù nào làm hại ta bằng chính những tư tưởng Tham dục, Sân hận và Mê si của mình". Đó là Ba Độc.
Đọc Quyển KỆ DÂN nếu chúng ta xót xa được nỗi ưu tư của Đức Thầy trong nỗ lực phá bức màn vô minh của người tu Phật mà cố gắng tu tập theo lời Người chỉ dạy, lắng lòng trong sạch, điều tiết tâm trí, chắc chắn chúng ta sẽ thấy nguyên nhân gây ra đau khổ mà vận dụng nghị lực tiêu diệt Ba Độc, dầu chưa đạt đến Bồ Đề tâm, vượt thoát bốn chặng đường Sanh, Già, Bịnh, Chết, thì cũng vơi được phần phiền não, được sống thanh thản an nhàn…
Hồ Minh Châu
QUYỂN HAI"KỆ DÂN CỦA NGƯỜI KHÙNG"
Luận giải
--- oOo ---
1.-"Ngồi KHÙNG trí đoái nhìn cuộc thế - Thấy dân mang sưu thuế mà thương - Chẳng qua là Nam-Việt vô vương - Nên tai-ách xảy ra thảm-thiết".
Luận giải: (dòng 1 tới 4, trang 53)
Nhìn cuộc thế thấy dân chúng bị sưu cao thuế nặng mà Ngài xót xa lòng, chỉ vì quê hương bị nước ngoài cai trị nên người Việt phải chịu đau khổ.
(từ đây chúng tôi dùng từ Ngài thay hai từ Đức Thầy)
Nghĩa chữ khó:
Khùng - Điên: tâm trí không đuợc bình thường. Đức Thầy xưng Khùng-Điên, cũng như Đức Phật Thầy Tây An, vị Giáo tổ phái BỬU SƠN KỲ HƯƠNG - tạm dịch: "Hương lạ trên non báu" - hay Đức Phật Trùm, Ông Sư Vải Bán Khoai (một hoá thân của Đức Phật Thầy Tây An), các Ngài xuống trần giảng dạy Đạo đều xưng Khùng-Điên. Theo chúng tôi, danh xưng này có hai ý:
a.- người đời quá khôn mà độc ác, còn các Ngài xưng Khùng-Điên nhưng lòng Bồ tát đầy tình thương.
b.- Việt Nam thời bấy giờ đang bị thực dân Pháp cai trị, nên các Ngài phải giả Khùng-Điên để che mắt bọn người lấy tin cho nhà cầm quyền.
Trí: phần sáng suốt, hiểu biết, nhận xét của con người.
Đoái: ngoảnh lại, nhìn lại; nghĩ tới, tưởng nhớ lại.
Cuộc thế - Cuộc: việc xảy ra nghe thấy như giặc cướp, sấm sét, giông bão, động đất…Thế: cõi sống, đời người.Cuộc thế: chỉ những sự việc quan trọng xảy ra trong đời sống con người.
Sưu thuế - Sưu: (miền Nam nói xâu) là góp công sức vào những việc xây dựng cho ích lợi chung. Ở các nước thiếu vắng Tự do Dân chủ, nam công dân tuổi từ 18 đến 60 phải đóng góp việc nặng nhọc này mà không được trả tiền công. Thuế: số tiền dân phải nạp cho Nhà nước như thuế đất, thuế nhà, thuế lợi tức (thuế về việc làm kiếm ra tiền). Thời thực dân Pháp cai trị, người dân phái nam, tuổi từ 18 đến 60 bị bắt buộc đóng thuế thân, tức thuế con người. Thuế này chia nhiều hạng:
a/- không đất vườn.
b/- có đất vườn ít.
c/- có đất vườn nhiều.
Vô vương: không vua, chỉ Việt Nam bị Pháp cai trị.
Tai ách: việc nguy hiểm, có hại mạng sống, hay tài sản.
Thảm thiết: hết sức xót xa, quá khổ cực, thật đau lòng.
--- oOo ---
2.-"Bạc không cánh đổi thay chẳng biết -Vàng bị nghèo mấy chiếc chẳng còn - Mới mấy năm sao quá hao-mòn - Mùa-màng thất, đói đau không thuốc".
Luận giải: (dòng 5 tới 8, trang 53)
Tiền bạc tuy không cánh nhưng vừa có đó rồi bay mất hồi nào không hay biết, còn vàng dành dụm cất giấu bấy lâu, vì nghèo nên mấy chiếc cũng bán lần đến hết. Mới mấy năm mà đời sống ngày càng thêm xấu tệ, mùa màng ruộng hay vườn đều thất bại, đâu đâu cũng thấy dân chúng sống thiếu ăn, đau không thuốc uống.
Nghĩa chữ khó:
Mùa màng: chỉ chung số lợi thâu được về lúa, khoai, bắp, cây ăn trái ... trong năm.
Thất bại: không kết quả tốt, được chút ít hay mất sạch.
--- oOo ---
3.-"Thương hại bấy lê-dân đứt ruột - Thảm vợ con đói rách đùm-đeo - Gẫm chữ nghèo thường mắc chữ eo - Thêm gạo lúa lại tăng giá mắc".
Luận giải: (dòng 9 tới 12, trang 53)
Trước cảnh dân chúng áo quần rách rưới cột đùm, vợ thì lưng cõng, tay bồng con, chồng thì vai mang gói to gói nhỏ, đi lang thang, cơm ăn không đủ no, lạnh không áo mặc đủ ấm, còn giá lúa gạo mỗi ngày cứ tăng lên vùn vụt, đời sống kẻ nghèo vốn đã eo hẹp nay càng thêm thiếu thốn, khổ sở, Ngài thấy mà thương xót vô cùng.
Nghĩa chữ khó:
Lê dân: dân đen, dân không chức phận trong làng xã.
Đùm đeo: áo quần hay vật dụng cột túm lại thành bọc, đi lang thang, là hình ảnh dân nghèo không nhà, vợ chồng tay xách nách mang, vai đeo gói to gói nhỏ, con cái áo quần rách không có vải vá phải cột chùm lại, sống chui rúc dưới gầm cầu hay bụi cây, góc chợ.
Eo: chỗ tóp, thắt hẹp ở giữa, như eo lưng. Nghĩa bóng là quá túng thiếu, thắt ngặt.
Gẫm chữ nghèo thường mắc chữ eo: đã nghèo còn gặp nhiều việc khó, như bịnh, không tiền uống thuốc, cứ chịu lây lất ngày qua ngày, bịnh càng nặng, rồi chết...
--- oOo ---
4.-"Nhìn cuộc thế đổi thay quá gắt - Máy Thiên-cơ mỗi phút mỗi thay - Nẻo thạnh suy như thể tên bay - Đường vinh-nhục rủi may một lát".
Luận giải: (dòng 13 tới 16, trang 53)
Cuộc thế trải qua nhiều thay đổi lớn lao mà không ai đoán trước được, máy Trời mỗi phút mỗi khác, việc giàu nghèo, chuyện nhục vinh, lên voi hay xuống chó chỉ rủi may trong chốc lát, ‘thời gian ngắn’.
Nghĩa chữ khó:
Gắt: khắt khe, quá lắm, dữ dội, ngặt nghèo.
Thiên cơ: máy Trời, sự sắp đặt của Trời.
Thạnh suy - Thạnh: hên, phát lên tốt đẹp. Suy: xui, sụp, rớt xuống chỗ thấp, xấu đi.
Vinh nhục – Vinh: vẻ vang, sung sướng, được đời kính trọng (lên voi). Nhục: bị mất hết (xuống chó).
--- oOo ---
5.-"Ai phú-quí vào đài ra các - Ta ĐIÊN KHÙNG thương hết thế-trần - Khuyên chúng-sanh chẳng biết mấy lần - Nào ai có tỉnh tâm tìm Đạo".
Luận giải: (dòng 17 tới 20, trang 53)
Mặc tình ai giàu sang, nhà cao cửa rộng, còn Ngài tuy với vẻ Điên Khùng nhưng lòng thương yêu tất cả chúng sanh. Ngài đi khắp nơi khuyên dạy, nhắc nhở việc tu hành, vậy mà chẳng được mấy ai biết suy nghĩ bỏ mê tối tìm đường về với Phật đạo.
Nghĩa chữ khó:
Phú qúi: giàu có sang trọng.
Đài các: nền nhà cao, nhà có lầu gác, chỉ sự giàu sang.
Tỉnh tâm - Tỉnh: xét kỹ. Tâm: lòng. Có nghĩa tâm trí tỉnh dậy sau cơn mê, hết lầm lạc, biết sai mà sửa đổi.
Thế trần - Trần thế - Thế: cõi đời. Trần: bụi cát; cõi đời cát bụi, cũng chỉ người đời.
Đạo:
a.- Lẽ phải, con đường đúng, phép tắc của người xưa đặt ra được xã hội thừa nhận làm mẫu mực trong quan hệ đối xử giữa con người với nhau.
b.- Nền tảng của tôn giáo, dạy con người trau sửa tâm tánh, ở ăn ngay thật.
Giác ngộ: bực sáng suốt, thông suốt đạo lý, lòng không còn vướng mắc những thứ tình cảm: buồn vui, thương, yêu, giận, ghét, ham muốn như người thường ...
--- oOo ---
6.-"Trai trung-liệt đáng trai hiền-thảo - Gái tiết-trinh mới gái Nam-trào - Lời Thánh Hiền để lại biết bao - Sao trai gái chẳng coi mà sửa? - Đời tận thế mà còn lần-lựa - Chẳng chịu mau cải dữ về lành".
Luận giải: (dòng 21 tới 26, trang 53)
Thân trai ngoài trách nhiệm giữ gìn Tổ Quốc Quê hương dầu phải hy sinh tánh mạng, còn phải thành kính với Ông Bà, hiếu thảo cùng Mẹ Cha; về đời sống, bất luận ở hoàn cảnh nào cũng trong sạch, ngay thẳng, rộng rãi tha thứ, sẵn sàng giúp đỡ kẻ nghèo khó hoạn nạn. Bổn phận người phụ nữ Việt Nam phải biết trân trọng giữ gìn danh tiết. Gương cao quí cũng như lời hay lẽ phải của Thánh Hiền để lại rất nhiều, trai gái nên noi theo mà sửa tánh răn lòng ? Đời đã cạn cùng, đừng chần chờ nữa, hãy ăn năn cải sửa.
Nghĩa chữ khó:
Trung liệt: người hết lòng yêu tổ quốc, kính trọng chủ tướng, thẳng ngay với mọi người, dầu nghèo khổ, nguy hiểm hay trước cái chết vẫn không thay lòng đổi dạ.
Hiền thảo: hiếu kính Ông Bà Cha Mẹ, giúp đỡ và đối xử tốt với mọi người, thương sanh vật.
Danh tiết: danh dự và tiết trinh, chỉ sự trong sạch, đạo đức của phụ nữ.
Danh dự - Danh: tiếng tăm. Dự: khen ngợi, tiếng tốt. Danh dự: thứ giúp con người được xã hội tin dùng, có tiếng tăm với đời chớ không có quyền hành gì.
Tiết trinh - Tiết: mắt tre, có chừng đổi như những mắt tre, ngay thẳng trong sạch, chỉ giá trị, danh dự con người.Trinh chỉ sự trong sạch của phụ nữ. Tiết trinh chỉ chung sự trong sạch, giá trị đạo đức của phụ nữ.
Nam trào: nước Việt Nam ở thời kỳ có vua cai trị.
Lần lựa: trì hoản, chần chờ, hẹn lần lần.
Thánh Hiền: chỉ những vị tài đức được đời tôn kính.
Đời tận thế: ngày tận cùng của thế giới.
Cải dữ: sửa đổi, không làm điều hung dữ, xấu ác nữa.
--- oOo ---
7.-"Làm PHẬT-NHI phải được lòng thành -Thì mới đặng vãng-sanh CỰC LẠC".
Luận giải: (dòng 1 và 2, trang 54)
Người tu Phật lòng lúc nào cũng thành kính, siêng học kinh kệ, giữ luật Đạo, thì đời sống sẽ an vui, hạnh phúc, khi chết linh hồn nhẹ nhàng vãng sanh lạc cảnh.
Nghĩa chữ khó:
Phật: Bouddha, tiếng Phạn (scr) đọc trọn: Phật đà, là bực sáng suốt, tức Giác ngộ hoàn toàn.
Phật Nhi: con Phật, chỉ những người tu học Phật.
Vãng sanh Cực Lạc: sanh về nơi tột cùng an vui.
8.-"Tương với muối cháo rau đạm bạc -Nghèo lương hiền biết niệm DI ĐÀ - Mà mai sau thoát khỏi tinh ma - Lại được thấy cảnh TIÊN nhàn-hạ".
Luận giải: (dòng 3 tới 6, trang 54)
Người nghèo, ăn uống đơn sơ cháo rau tương muối mà lòng lúc nào cũng giữ ngay thẳng hiền lành, luôn tin tưởng và niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Niệm Phật để lắng lòng, ngăn trừ tạp niệm. Nhờ tu học tinh thần mới vững mạnh, ý chí trong sáng không bị lạc lầm, không bị Tham - Sân - Si lôi cuốn vào tội ác. Tham-Sân-Si diệt, tâm trí an nhàn, cuộc sống sẽ thảnh thơi hạnh phúc, tức giải thoát.
Nghĩa chữ khó:
Đạm bạc: chỉ sự ăn uống giản dị, sơ sài, ở mức cần thiết cho sự sống, không cần món ngon mắc tiền.
Lương hiền: người ngay thẳng; hiền, tốt bụng, thương và hay giúp người đau khổ.
Niệm: là tưởng nhớ. Lòng thành kính tưởng nhớ công đức của Phật, của Ông Bà, Cha Mẹ. Niệm Di Đà: thành kính đọc thầm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, học và rán noi theo 4 đức lớn Từ - Bi - Hỷ - Xả của Phật.
Niệm Phật là để trừ tạp niệm, bởi trong tâm con người quá nhiều tạp niệm nên lòng chẳng an vui mới bị phiền não ngăn che làm cho chơn tâm mờ ám. Nên, hễ thành tâm niệm Phật thì tâm không còn loạn, dứt được lòng ham muốn và các niệm chúng sanh cũng bị tiêu diệt.
Phật A Di Đà: theo niềm tin, Ngài thường hiện thân đón tiếp những người tu hiền về cõi tịnh độ .
Nhàn hạ: thong thả, rảnh rang.
Phụ giải:
- Từ: lòng hiền lành, thương yêu tất cả chúng sanh, sẵn sàng giúp cho tất cả được yên vui, được lợi ích về vật chất và tinh thần. Phật đối với chúng sanh như mẹ với con nên gọi là Từ, lúc nào cũng lo lắng đến, hết lòng dìu dắt, dạy dỗ, không nỡ để chúng sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não.
- Bi: thương xót cảnh khổ của chúng sanh mà cố gắng cứu giúp, cố gắng trải lòng ra làm những gì có thể làm được lợi ích, bớt sự đau khổ của chúng sanh. Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót vô cùng muốn cứu vớt họ ra khỏi các tai nạn, nên gọi là Bi.
- Hỷ: sẵn sàng mang niềm vui đến vui với người đời.
- Xả: tha thứ cho người; đem những vật cần thiết của mình giúp chúng sanh, không phân biệt kẻ oán người thân, thương hay ghét, lòng luôn an tịnh, thanh thản.
- Sân: khi bị người xúc phạm thì giận dữ la hét như điên. Sau cơn giận lòng còn nuôi thù hận...
- Si: tâm mê muội, không phân biệt lẽ chánh tà, làm sai lạc gây tội lỗi, gây nghiệp ác ... sẽ bị đọa luân hồi.
--- oOo ---
9.-"Trên BẢY NÚI còn nhiều báu lạ - Rán tu tâm dưỡng tánh coi đời - Coi là coi được PHẬT được TRỜI - Coi phép lạ của TIÊN của THÁNH ".
Luận giải: (dòng 7 tới 10, trang 54)
Trên Bảy Núi có nhiều báu lạ, rán sửa tánh răn lòng, ăn ở hiền lành, khép mình tu học Phật để được sống nhìn Phật, Trời và phép lạ của Tiên Thánh.
Nghĩa chữ khó:
Bảy núi: hay Thất sơn, tức bảy ngọn núi ở tỉnh Châu Đốc, miền Tây Nam Việt, có tên như sau:
- 1.- Anh Vũ sơn (núi Kéc)
- 2.- Ngũ Hồ sơn (núi Giài hay Dài 5 giếng, gần núi Kéc)
- 3.- Thiên Cẩm sơn (núi Gấm hay núi Cấm)
- 4.- Liên Hoa sơn (núi Tượng)
- 5.- Thủy Đài sơn (núi Nước, gần núi Tượng)
- 6.- Ngọa Long sơn (núi Dài)
- 7.- Phụng Hoàng Sơn (núi Tô)
Một giải thích khác, Bảy Núi gồm: núi Trà Sư, núi Kéc, núi Bà Đội Om, núi Cấm, núi Dài, núi Tượng và núi Tô. Thực ra, dãy Thất sơn có trên mười ngọn núi. (Thất Sơn Mầu Nhiệm: Dật Sĩ-Nguyễn văn Hầu).
Tu tâm dưỡng tánh: sửa tánh, gìn lòng yên tịnh, không đua chen danh lợi.
Tiên: người tu theo đạo Lão, không chen mình vào vòng danh lợi, sống an nhàn thong thả.
Thánh: là danh hiệu người đời tặng các bực sáng suốt, có tài và đạo đức hay những vị có công nghiệp về văn hoặc võ, vượt trội hơn người đồng thời, sau khi chết được người đời tôn kính, như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Khổng tử, vị tổ của đạo Nho hay Khổng giáo... Theo quan niệm Phật giáo, Thánh là người đã thoát khỏi mọi phàm tánh ở thế gian này.
--- oOo ---
10.-"Cuộc dương-thế ngày nay mỏng-mảnh - Mà sang giàu còn hiếp nghèo nàn - Phải xả thân tầm Bát-Nhã thoàn - Sau mới khỏi hùm tha sấu bắt ".
Luận giải: (dòng 11 tới 14, trang 54)
Thấy thế nhân không tin trần gian sắp đến ngày tận diệt, lập lại đời mới, tức Thượng ngươn, nên lắm người giàu sang còn hiếp đáp kẻ nghèo nàn, vì vậy, Ngài khuyên các nhà có tiền của hãy mở lòng thương giúp đỡ người đói khổ; tha thứ và xả bỏ oán thù, nên quên đi giận ghét, sớm chiều sửa tánh răn lòng khép mình vào Phật Đạo. Được vậy mới hy vọng sau này có cuộc sống yên lành. Hiểu nghĩa bóng: người ăn ở hiền, không gây oán nên khỏi sợ bị trả thù. Nhờ dày công tu sẽ tránh được họa chết người. Khỏi bị bọn người độc ác hãm hại.
Nghĩa chữ khó:
Dương thế - Thế gian - Trần gian đều chỉ cõi đời nơi con người sống. Cũng chỉ người đời.
Xả có 4 cách:
a.- Tài xả: đem của cải cho, giúp người nghèo khổ.
b.- Pháp xả: chỉ rõ đạo lý cho người khỏi đọa ác đạo.
c.- Vô úy xả: dạy người sự gan bền, không sợ quyền lực, nguy hiểm, hy sinh cả mạng sống..
d.- Phiền não xả: xả bỏ hết buồn phiền để lòng nhẹ nhàng thong thả.
Bát nhã: Prajnâ (scr) tiếng Phạn, có nghĩa là Huệ, Trí huệ. Danh từ đặc biệt về Phật pháp. Bát Nhã Thoàn là thuyền Bát Nhã. Theo nhà Phật, đời là biển khổ, con người ngụp lặn trong biển khổ, Phật và Bồ Tát dùng thuyền Bát Nhã cứu vớt, đưa chúng sanh qua bến bờ an lạc. Nghĩa rộng: khi hiểu rõ Phật pháp thì tâm trí thoát ra ngoài tham - sân - si, (Sân: cơn giận dữ. Si: mê muội không phân biệt được đúng sai) dứt các điều phiền muộn, tự mình thông hiểu, sáng suốt, tức giác ngộ. Nghĩa bóng câu: "Phải xả thân tầm Bát Nhã thoàn" là khuyên nên sửa tánh, rèn lòng, giúp đỡ người, dẹp bỏ phiền muộn, lo tu, giữ lòng trong sáng, thanh tịnh cho trí huệ phát sinh.
--- oOo ---
11.-"Đến chừng đó bốn phương có giặc - Khắp hoàn-cầu thiết thiết tha tha - Vậy sớm mau kiếm chữ MA HA - Thì PHẬT cứu khỏi nơi khói lửa".
Luận giải: (dòng 15 tới 18, trang 54)
Sẽ đến một thời kỳ máu đổ thây phơi khắp cùng mặt đất, dân chúng phải chịu muôn ngàn đau khổ, vì vậy, Ngàikhuyên thế nhân rán sửa tánh, răn lòng tìm về nền chánh đạo. Nhờ tu Phật, biết thương yêu, tha thứ, giúp đỡ nhau thể theo đức từ bi của Phật, chắc chắn người đời sẽ vơi bớt hận thù, nhờ đó mới nhẹ phần giết hại lẫn nhau.
Nghĩa chữ khó:
Thiết thiết tha tha: sự đau khổ mà hết sức cầu mong được cứu giúp.
Ma Ha: Mahâ, (scr) có nghĩa rộng lớn. Ở đây chỉ nền đạo lớn, tức đạo Phật.
Khói lửa: nghĩa bóng chỉ giặc cướp, chết chóc.
--- oOo ---
12.-"Tưởng nhớ PHẬT như ăn cơm bửa -Vọng Cửu-Huyền sớm tối mới mầu - Chữ NAM-MÔ dẹp được lòng sầu - Sau thấy được nhà TIÊN cửa THÁNH".
Luận giải: (dòng 19 tới 22, trang 54).
Niệm tưởng Phật như nhớ bữa ăn hằng ngày, niệm tưởng để học gương Bi-Trí-Dũng của Phật, nghĩ nhớ công ơn Tổ Tiên, Ông, Bà, Cha Mẹ và noi theo những hay tốt của các Ngài, tránh làm điều ác để Ông Bà khỏi phải mang tiếng xấu. Lòng luôn có Phật thì những ý nghĩ xấu, hung dữ cũng như các lo buồn đều tiêu tan hết, tâm hồn nhờ đó nhẹ nhàng, thơ thới an vui, cuộc sống đó khác nào ở cảnh Tiên nhà Thánh.
Nghĩa chữ khó:
Cửu Huyền - chín đời: Cao - Tằng - Tổ - Cha - Mình - Con - Cháu - Chắt - Chít. Chín thế hệ này, nếu phiên âm bằng chữ Hán: Cao - Tằng - Tổ - Khảo - Kỷ - Tử - Tôn - Tằng - Huyền.
- Thất Tổ: bảy đời ông tổ: Cao - Tằng - Tổ - Cao Cao - Tằng Tằng - Tổ Tổ - Cao Tổ. Bảy đời tổ: là Ông Nội của đời mình đi ngược lên sáu đời nữa, gọi Thất Tổ.
Vọng: tưởng nhớ công ơn và gương tốt của Ông Bà.
Nam Mô: Namah, tiếng Phạn (scr) là qui y, qui mạng, chí tâm hướng về Phật, có nghĩa quyết vâng lời Phật dạy, cung kính nương theo và gởi đời mình cho Phật, xả bỏ hết mọi lo rầu…
--- oOo ---
13.-"Ghét những đứa giàu-sang kiêu-hãnh -Thương những người đói-rách cơ-hàn - Cảnh phồn-hoa khó sánh lâm-san - Sau sẽ có nhiều điều vinh-hạnh".
Luận giải: (dòng 21 tới 24, trang 54)
Ở đời không ai ưa hạng người giàu ỷ nhiều tiền của coi thường kẻ đói rách, nghèo khổ, vì vậy, nên mở rộng lòng thương giúp đỡ những người thiếu may mắn, hoạn nạn. Cảnh thành thị ồn ào khó tu tâm dưỡng tánh, sao bằng nơi không khí trong sạch, vắng vẻ ở núi rừng. Người ngay thật, bền chí tu sẽ có cuộc sống an vui và được đời kính trọng.
Nghĩa chữ khó:
Kiêu hãnh: cậy mình giàu, tài giỏi mà coi thường người khác; coi không ai bằng mình.
Cơ hàn: đói và lạnh. Chỉ cảnh nghèo khổ.
Phồn hoa: cảnh giàu sang ở thành thị, nơi đông đảo, nhiều người lui tới.
Lâm san: rừng núi.
Vinh hạnh: vinh dự, được người đời kính trọng.
--- oOo ---
14.-"Cõi trần-thế hết suy tới thạnh - Hết lâm nguy đến lúc khải-hoàn - Tuy tu hành chịu chữ nghèo-nàn - Sau đắc đạo gặp điều cao-quí".
Luận giải: (dòng 25 tới 28, trang 54)
Người đời mấy ai giàu suốt kiếp hay nghèo khổ trọn đời, nếu biết cố gắng sẽ vượt qua khổ cực để vươn lên. Tuy nhiên, nếu biết đời là vô thường, thân này là giả và theo lẽ tự nhiên hễ có sanh thì phải bị diệt, không gì bền bĩ, nên người tu, hiểu Đạo, vui sống nghèo trong sạch, giữ lòng thanh thản sớm chiều kinh kệ, bền chí tu hành, chắc chắn sẽ đạt Đạo và được đời kính trọng.
Nghĩa chữ khó:
Khải hoàn: thắng trận trở về. Nghĩa ở đây: được thành công; gặp vui; được giàu và có danh.
Suy thạnh - Suy: suy sụp, rớt xuống chỗ thật thấp. Thạnh là giàu có, cuộc sống vui, tốt đẹp. Chỉ sự nghèo và giàu, xui và hên ở đời.
Vô thường: tất cả chúng sanh đều không chừng, không bền vững, có đó mất đó.
Đắc đạo - Đạt đạo: tu được thành đạo, được sáng suốt, giác ngộ, lòng không còn ham muốn tiền của, không còn thương, ghét, hận thù như người thường ở đời.
--- oOo ---
15.-"Mặc bá-tánh đời nầy dị-nghị - Ta ĐIÊN KHÙNG mà tánh lương-hiền - Lòng yêu dân chẳng trọng bạc tiền - Mà dương-thế cứ theo biếm nhẻ - Sau lập Hội thì già hoá trẻ - Khắp hoàn-cầu đổi xác thay hồn".
Luận giải: (dòng 29 tới 34, trang 54)
Gác ngoài tai lời thế nhân bàn tán, Ngài xưng Điên Khùng mà tâm tánh hiền lành, lòng tha thiết thương dân, không coi trọng bạc tiền, vậy mà phần đông cứ theo cười chê nhạo báng, chẳng mấy ai chịu nghĩ suy, tìm hiểu. Sau này, tới ngày lập Hội, đời mới biết Ngài là ai, chừng đó khắp thế giới con người sống còn sẽ hiểu biết và cải sửa tốt đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Nghĩa chữ khó:
Dị nghị: so sánh, bàn tán.
Biếm nhẻ: chê bai, nhạo báng, cười cợt coi thường.
--- oOo ---
16.-"Đức NGỌC-HOÀNG mở cửa thiên-môn - Đặng ban thưởng PHẬT TIÊN với THÁNH - Khuyên trai gái học theo KHỔNG-MẠNH - Sách THÁNH-HIỀN dạy Đạo làm người ".
Luận giải: (dòng 1 tới 4, trang 55)
Chỉ những người hiền, tốt mới được sống còn nhìn cảnh Trời mở cửa khai đại hội ban thưởng chư Phật, Tiên, Thánh. Vì thế, nên Ngài khuyên trai gái rán học theo sách dạy đạo lý làm người của các vị Thánh Hiền, Khổng tử và Mạnh tử.
Nghĩa chữ khó:
Ngọc Hoàng: theo dân gian là Trời, vị chúa tể tạo ra con người và muôn loài vạn vật.
Khổng: Khổng Phu tử, tên Khổng Khâu hay Khổng Khưu (551-479 trước T.C.) người nước Lỗ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông (Tàu), vị tổ của đạo Nho (Khổng giáo). Về đời sống đạo lý của con người, Ngài dạy:
- Tu thân: sửa mình ngay thẳng, trong sạch, đối xử tốt với mọi người.
- Tề gia: sắp đặt việc nhà êm đẹp, trên thuận dưới hòa,
- Trị quốc: điều hành tốt việc quốc gia, làm cho dân giàu nước mạnh.
- Bình thiên hạ: làm cho thiên hạ yên ổn.
Mạnh: tức Mạnh Kha (372-289 trước T.C.) một vị đại hiền thời Chiến Quốc, người đất Châu, thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay (Tàu), người có công làm sáng tỏ đạo Nho, được đời sau tôn trọng xem là bực Á thánh, (vị Thánh thứ hai) sau đức Khổng Phu tử. Ở Việt Nam, một số điều trong đạo Khổng đuợc chọn lọc, xem như khuôn vàng thước ngọc để mọi người noi theo.
--- oOo ---
17.-"Xem truyện thơ chẳng biết hỗ (hổ) ngươi - Mà làm thói Điêu-Thuyền, Lữ-Bố".
Luận giải: (dòng 5 và 6, trang 55)
Xem truyện thơ sao không biết mắc cở mà học theo thói hư xấu của Điêu Thuyền và bắt chước Lữ Bố sớm theo chiều phản của Lữ Bố.
Nghĩa chữ khó:
Điêu Thuyền: ca nữ (con hát), con gái nuôi của Vương Doãn có sắc đẹp, được Vương Doãn dùng "kế mỹ nhơn" để diệt Đổng Trác, một gian thần đời nhà Đông Hán (Tàu). Vương Doãn hứa gả Điêu Thuyền cho Lữ Bố, con nuôi của Đổng Trác, rồi lại ngầm đưa Điêu Thuyền cho Đổng Trác, để gây chia rẽ giữa hai cha con nhà này. Kết quả hai người vì ghen mà giết nhau.
Lữ Bố: đời Đông Hán, tự Phụng Tiên, giỏi võ, sức mạnh ít người đánh lại. Ban đầu Lữ Bố theo Đinh Nguyên, sau ham danh lợi, giết Đinh Nguyên qua làm con nuôi Đổng Trác. Vì "kế mỹ nhơn" của Vương Doãn, Lữ Bố say mê Điêu Thuyền, ghen giết Đổng Trác rồi theo làm tướng cho Viên Thuật, sau bỏ Viên Thuật qua phò tá Viên Thiệu. Cuối cùng thua Tào Tháo, Lữ Bố tự tử. Công tâm mà xét, Điêu Thuyền vì vai trò bắt buộc phải lẳng lơ, một lúc lấy hai chồng. Lữ Bố và Đổng Trác thì quá tệ, hai người mê gái đến giết lẫn nhau; riêng Lữ Bố, dầu là tướng mạnh, nhưng luôn thay lòng đổi dạ, sớm theo chiều phản.
Hổ ngươi: mắc cở.
Phản bội: quay lưng lại, quên ơn, nghịch lại, trái lại, hại người ơn có tình nghĩa với mình.
--- oOo ---
18.-"Sau kẻ ấy làm mồi mãnh-hổ - Cảnh Núi- Non nhiều thú dị-kỳ - Nó trọng ai hiền đức nhu- mì - Sát phạt kẻ bội cha phản chúa - Đến chừng đó thiên-la lưới bủa - Mới biết rằng TRỜI PHẬT công-bằng".
Luận giải: (dòng 7 tới 12, trang 55)
Hạng gái không biết giữ gìn đạo lý, tiết trinh, cũng như loại người phản bội quên ơn bỏ nghĩa, sớm thương chiều ghét, đổi dạ thay lòng như thay đổi áo, sau này sẽ làm mồi cho cọp dữ. Trên Non Núi có nhiều thú lạ kỳ, biết kính trọng người hiền đức (người tu, bực hiền đức đôi mắt rất sáng và có ánh sáng hiện quanh đầu, mắt thường khó thấy?) nhưng không tha bè lũ bỏ Cha phản Chúa. Lưới Trời dầu thưa, vẫn không kẻ gian xấu, độc ác nào thoát khỏi, bấy giờ người đời mới thấy rõ sự công bằng của Trời Phật.
Nghĩa chữ khó:
Mãnh hổ: cọp mạnh, dữ.
Núi Non: chỉ những núi liền nhau, có cao có thấp.
Dị kỳ: lạ thường.
Bội Cha phản Chúa: xử tệ, quên công ơn, quên bỏ tình nghĩa của Cha, của Chúa.
Hiền đức: tánh hiền, ngay thật, hay tha thứ, thương giúp đỡ người, thương sanh vật.
Nhu mì: dịu dàng, lời lẽ chững chạc, đứng đắn.
Sát phạt: đánh giết.
Thiên la: lưới Trời.
Công bằng (bình): ngay và bằng. Tánh ngay thẳng.
--- oOo ---
19.-"Nếu dương trần sớm biết ăn năn - Làm hiền-đức khỏi đường lao-lý - Học tả-đạo làm điều tà-mị - Theo dị-đoan cúng kiếng tinh-tà - Thì sau nầy gặp chuyện thiết-tha - Đừng có trách KHÙNG ĐIÊN chẳng cứu"..
Luận giải: (dòng 13 tới 18, trang 55)
Ngài khuyên dân sớm ăn năn, làm hiền lành tránh xa điều hung ác, sửa tánh răn lòng mới tránh được tội tù khổ sở. Nên sáng suốt xa lánh các đạo chuyên vẽ bùa đọc chú, thờ cúng tà thần, ma quỉ, bày những trò mê tín, dị đoan; những ai đã lỡ theo, nên sớm rời bỏ, tìm về chánh đạo, kẻo ngày sau gặp nguy hiểm Ngài không cứu được.
Nghĩa chữ khó:
Dương trần - Dương: mặt trời. Trần: bụi cát - chỉ cõi đời và cũng chỉ con người.
Lao lý: tội tù, bị giam hảm, không có tự do. Lao là chuồng nuôi thú vật, nhà tù. Lý: ở trong.
Tả đạo – Tà đạo: đạo không được coi là chánh đáng.
Dị đoan: chuyện khó tin, không hợp lý.
Tinh tà: chỉ chung ma quỉ, loại phá khuấy đời.
Thiết tha: có tình cảm sâu sắc, gắn bó. Nghĩa ở đây chỉ việc ngặt nghèo rất cần được cứu giúp.
--- oOo ---
20.-"Thấy-bá tánh nghinh tân yểm cựu - Học ai mà ngang-ngược nhiều lời - Phụ mẹ cha khinh-dể PHẬT TRỜI - Chẳng có kể công sanh dưỡng-dục".
Luận giải: (dòng 19 tới 22, trang 55)
Người đời ham chạy theo cái mới quên bỏ những lời dạy bảo hay, tốt của Thánh Hiền, của Tổ tiên, bắt chước bọn người hư xấu, học tập thói ngang ngược hỗn láo, lớn tiếng nhiều lời khinh dể Phật Trời, phụ bỏ Mẹ Cha, không kể gì công ơn mang nặng đẻ đau dưỡng nuôi cực khổ.
Nghĩa chữ khó:
Nghinh tân yểm cựu: đón cái mới quên bỏ cái cũ.
Ngang ngược: trái với lẽ phải; không kể gì lẽ phải trái.
Phụ: làm trái ngược, quên công ơn người đã cứu giúp.
Khinh dể: coi không ra gì, xem như rơm rác.
Dưỡng dục: nuôi dạy - nuôi nấng và dạy bảo.
--- oOo ---
21.-"Thương lê-thứ bày tường trong đục - Mặc ý ai nghe phải thì làm - Lời của người di-tịch NÚI-SAM - Chớ chẳng phải bày điều huyễn-hoặc".
Luận giải: (dòng 23 tới 26, trang 55)
Thương dân Ngài đã nói hết lời, chỉ dạy rõ ràng những điều đúng sai, phải trái, ai nghĩ suy thấy đúng thì làm, chớ không nài ép. Ngài cho biết đó là những lời của Đức Phật Thầy để lại, không phải Ngài đặt bày nói chuyện khó tin.
Nghĩa chữ khó:
Lê thứ: dân thường, dân không chức phận.
Huyễn hoặc: chuyện khó tin.
Di tịch: lời của người chết để lại. Bực tu đắc đạo chết gọi là tịch. Đức Phật Thầy Tây An tịch diệt, nhục thân Ngài chôn tại Núi Sam.
--- oOo ---
22.-"Cảnh Thiên-Trước thơm-tho nồng-nặc - Chẳng ở yên còn xuống phàm-trần - Ấy vì thương trăm họ vạn dân - Giả QUÊ DỐT khuyên người tỉnh ngộ * (Nên chẳng kể tấm thân lao khổ)".
Luận giải: (dòng 27 tới 30, trang 55)
Ngài không đành ngồi yên ở Thiên Trúc, nơi không khí trong lành, bốn mùa hương sen ngào ngạt, vì lòng thương dân đang ngụp lặn trong đau khổ, mới xuống trần giả QUÊ giả DỐT đi khắp nơi chỉ dạy cho người đời hiểu biết về Đạo Phật nhằm mang an vui hạnh phúc cho thế nhân.
- * Ấn bản 1998 in Nên chẳng kể tấm thân lao khổ.
Nghĩa chữ khó:
Thiên trước: các nước chung quanh nước Tàu đều gọi Ấn Độ là Thiên trước. Các nhà tu Phật vẫn gọi như vậy. Ngoài tiếng Thiên trước, Thiên trúc, còn kêu Tây vực.
Nồng nặc: nghĩa ở đây là hương thơm lan tỏa rộng ra.
Phàm trần: nơi con người đang sống; chỉ người đời.
Lao khổ: cực nhọc, tốn nhiều sức lực, mệt mỏi.
--- oOo ---
23.-"Nên chẳng kể tấm thân lao-khổ * (Giả quê dốt khuyên người tỉnh ngộ) - Giả BÁN BUÔN thức giấc người đời - Rằng ngày nay có PHẬT có TRỜI - Kẻo dân-thứ nhiều người kiêu-ngạo".
Luận giải: (dòng 31 tới 34, trang 55)
Ngài không kể tấm thân cực khổ, khi thì giả người Buôn Bán khuyên dạy dân sửa tánh ngược ngang, kiêu ngạo, bỏ mê tối theo về đường sáng, chỉ rõ đạo lý, việc đúng điều sai, biết kính trọng Phật Trời.
- * Ấn bản 1998 in Giả quê dốt khuyên người tỉnh ngộ.
Nghĩa chữ khó:
Tỉnh ngộ: hết mê tối, biết sai mà sửa điều hư xấu.
Dân thứ-Thứ dân: dân thường, dân không chức quyền.
Kiêu ngạo: chê, chế nhạo; cho mình hơn mà khi người. Không tin có Trời Phật, Thánh Thần.
--- oOo ---
24.-"Xuống mượn xác nhằm năm Kỷ-Mão - Buồn xóm làng cứ ghét ĐIÊN KHÙNG - Nếu trẻ già ai biết thì dùng - Chẳng có ép có nài bá-tánh - Nghe ĐIÊN dạy sau này thơi-thảnh
- Đây chỉ đường CỰC-LẠC vãng-sanh - Đừng có ham lên mặt hùng-anh - Sa địa ngục uổng thân uổng kiếp"
Luận giải: (dòng 35 - 36, trang 55 và 1 tới 6, trang 56)
Vì cứu đời, năm Kỷ Mão (1939) Ngài xuống thế gian mượn xác phàm trần, chịu cực khổ đi khắp nơi dạy Đạo, vậy mà dân ở xóm làng không hiểu biết nỡ lòng ghét Ngài. Với mấy lời khuyên bảo này, già với trẻ ai nghe mà biết sửa tánh răn lòng, làm việc hiền xa điều dữ thì đời sống sẽ thong thả yên vui. Đây là Ngài chỉ dạy đường tu chớ không nài không ép. Ngài mong sao kẻ thế trần đừng ham làm ra vẻ tài ba, cho rằng mình hay, mình giỏi mà khi dể mọi người, rồi ngày sau rơi xuống địa ngục uổng thân uổng kiếp.
Nghĩa chữ khó:
Ép-nài: mời, đòi cho được; cố nói cho người nghe theo.
Bá tánh: trăm họ, chỉ chung người trong nước.
Thơi thảnh - Thảnh thơi: không phải lo nghĩ điều gì ...
Cực lạc vãng sanh: sanh về nơi thanh tịnh, an vui.
Lên mặt: làm phách, làm cao, lúc nào cũng tỏ ra hơn người, coi thường những kẻ chung quanh.
Hùng anh: kẻ có tài giỏi hơn người đồng thời.
Địa ngục: nơi trừng phạt hồn người ở cõi chết; cũng chỉ nơi tận cùng của đau khổ.
Uổng: mất đi một cách vô ích.
Kiếp: đời người, khoảng ngày giờ khi con người sanh ra tới lúc chết.
--- oOo ---
25.-"Theo đạo-lý nhứt tâm mới kịp - Ngày nay đà gặp việc * (dịp) tu-hành - Niệm Di-Đà rán niệm cho rành - Thì mới được sống coi TIÊN- THÁNH". - * Ấn bản 1998 in gặp dịp.
Luận giải: (dòng 7 tới 10, trang 56)
Thế gian sắp tới kỳ tiêu diệt, vì ngày tháng không còn nhiều nên Ngài chỉ dạy pháp môn Tịnh Độ, nếu người tu quyết tâm sớm chiều niệm tưởng Đức Phật A Di Đà, giữ lòng yên tịnh, không để tạp niệm nảy sanh thì chơn tâm khỏi bị phiền não ngăn che, nhờ vậy, trí huệ mới phát sanh. Khi tâm trí sáng suốt, tất cả ham muốn tầm thường về thể xác sẽ tiêu tan. Đây là dịp may, phải rán bền lòng tu học mới mong có đời sống thảnh thơi hạnh phúc, còn được tận mắt nhìn Tiên với Thánh.
Nghĩa chữ khó:
Đạo lý: nghĩa lý chơn chánh của tôn giáo. Những phép tắc các bực Thánh Hiền từ xưa lưu lại được xã hội thừa nhận làm mẫu mực trong quan hệ đối xử với nhau.
Nhứt tâm: một lòng, quyết giữ một lòng không thay đổi.
Tu hành - Tu:
- sửa đổi lại cho tốt hơn truớc.
- sửa mình: theo đạo lý mà sửa đổi việc ăn ở, tánh tình, lời nói, cách đối xử với mọi người.
- Hành: làm đúng những điều Phật dạy, giữ đứng đắn cách thức của người tu.
Niệm Di Đà: xin xem số 8. - Thánh: xin xem số 9.
Tiên: người tu theo đạo Lão, sống an nhàn ở núi non. Nghĩa bóng: những vị dứt bỏ danh lợi, không vướng bận những ghét ưa, thương giận, oán thù, lánh mình nơi non cao an dưỡng tinh thần, cuộc sống đó là … tiên.
Phụ giải:
Pháp môn: cách dạy tu. Các lý lẽ đức Phật dạy, chư đệ tử của Phật lấy đó làm phép tắc, gọi là pháp, do pháp đó tu học và thành Đạo, gọi là môn. (cửa vào Đạo)
Tịnh độ có hai nghĩa:
a/- Pháp môn dạy niệm danh hiệu Đức Phật A-Di-Đà và cầu được sanh về cõi Tịnh độ.
b/- Cõi đất trong sạch của Đức Phật A Di Đà ở Tây phương, nơi yên lành, không bị nhiễm dơ.
Chơn tâm: lòng chơn thật, trong sạch không nhiễm dơ bởi cảnh xấu, bởi tư tưởng xấu.
--- oOo ---
26.-"ĐỨC MINH-CHÚA chẳng ai dám sánh - Xưa mạt Thương phụng gáy non Kỳ - BỞI VÕ-VƯƠNG đáng bực tu-mi - Nay trở lại khác nào đời trước".
Luận giải: (dòng 11 tới 14, trang 56)
Nước Tàu ngày xưa khi nhà Thương sắp mất, chim phụng gáy ở Kỳ sơn báo hiệu vua hiền sẽ ra đời, đó là Châu Võ Vương, một anh hùng, một vì vua tài đức. Đời nay cũng giống như thời kỳ nhà Châu lập quốc, Việt Nam sẽ có vị vua tài đức ra đời.
Nghĩa chữ khó:
Minh Chúa: vị vua sáng suốt, hiền đức hết lòng thương và chăm lo đời sống cho dân.
Mạt Thương: nghĩa là nhà Thương sắp dứt (1783-1135 trước Tây lịch). Nhà Thương do vua Thành Thang sáng lập, truyền đến vua Trụ, đời thứ 28, ông vua độc ác, tham dâm, hiếu sắc, không thương dân; triều đại 644 năm thì mất về nhà Châu, tức Châu Võ Vương Cơ Phát.
Phụng hay phượng: giống chim linh, được xem là chúa loài chim, nhưng ít người thấy. Phượng: chim trống,Hoàng - Loan: chim mái.
Tu mi - Tu: râu. Mi: chơn mày, chỉ đàn ông con trai. Nước Tàu ngày xưa chỉ đàn ông mới để chơn mày, đàn bà thì nhổ hết. Nghĩa bóng chỉ người đàn ông tài đức.
Đức: vui thích làm điều lành; hay tha thứ, thương giúp người, thương sanh vật, ăn ở phải đạo.
--- oOo ---
27.-"Kẻ gian-ác bị gươm ba thước - Nơi pháp- tràng trị kẻ hung-đồ - Được thảnh-thơi nhờ chữ NAM-MÔ - Khuyên bổn-đạo rán mà trì- chí".
Luận giải: (dòng 15 tới 18, trang 56)
Kẻ gian ác và bọn người hung dữ ngang ngược sau này bị xử chém bằng gươm. Ngài khuyên các vị tu học Phật rán bền lòng chặt dạ tin tưởng nơi giáo lý của đức Thế Tôn. Đạo Phật ra đời nhằm cứu khổ cho người đời, nên người tu học phải giữ gìn giới luật, nếu tất cả mọi người đều làm lành, xa dữ, thì xã hội này, thế giới này được sống trong an lành và hạnh phúc.
Nghĩa chữ khó:
Gươm ba thước: thanh gươm dài ba thước (một thước ngày xưa là ba tấc ba mươi ba: 03.33 mét)
Pháp tràng - Pháp trường: nơi xử chém tử tội.
Hung đồ: đảng dữ, phe nguời hung dữ.
Thảnh thơi: rảnh, thung dung, không bận lo nghĩ.
Trì chí: bền chí, bền lòng; dầu gặp khó khăn nguy hiểm lòng vẫn không thay đổi.
--- oOo ---
28.-"Xưa TÂY-BÁ thất-niên Dũ-Lý - Huống chi ta sao khỏi tiếng đời -Dòm biển trần cảnh khổ vơi vơi -Lao với khổ khổ lao chẳng xiết".
Luận giải: (dòng 19 tới 22, trang 56)
Ngày xưa Tây Bá Hầu, một bực đại hiền còn phải chịu tù oan bảy năm ở Dũ Lý, nên sá gì miệng đời bàn tán, khen chê. Ngài hết lòng mang nền đại Đạo của Đức Thích Ca vào đời giảng dạy, là mong giải cứu thế nhân khỏi cảnh lặn hụp, ngập chìm trong biển trần khổ minh mông, nỗi khổ đau mà không lời lẽ, không bút mực nào kể hết được.
Nghĩa chữ khó:
Tây Bá: tức Tây Bá Hầu, chỉ Cơ Xương, vua một nước nhỏ thời mạt Thương (Tàu), Cơ Xương là một bực hiền, được người thời bấy giờ xem như vị Thánh. Ông biết số mạng mình phải bị tù oan bảy năm, nên dằn lòng chịu giam nơi thành Dũ Lý. Con Ông là Cơ Phát hội binh với các nước nhỏ cùng đánh Trụ, tức nhà Thương (xin xem Mạt Thương, số 26). Dẹp xong nhà Thương, Cơ Phát lên ngôi vua, xưng Châu Võ Vương, phong cho cha là Cơ Xương, tước Châu Văn Vương
Biển trần: nhà Phật ví đời là biển khổ.
Vơi vơi: vời vợi, diệu vợi, xa xôi, minh mông, rộng lớn.
Lao khổ: xin xem số 22.
--- oOo ---
29.-"Ghét bạo chúa là xưa Trụ Kiệt - Mất cơ-đồ lại bị lửa thiêu - Thương MINH-VƯƠNG bắt chước THUẤN-NGHIÊU - Lòng hiền đức nào ai có biết".
Luận giải: (dòng 23 tới 26, trang 56)
Ghét hai vua tàn ác ngày xưa là Trụ và Kiệt, không thương dân, ham vui chơi, thích giết người mới mất nước, rồi kẻ phải đốt mình, người bị tù đày. Vị Minh Vuơng sẽ noi gương hai vua Thuấn – Nghiêu, lòng hiền đức của Ngài bây giờ chưa ai hay biết.
Nghĩa chữ khó:
Bạo chúa: vua hung ác xem rẻ mạng người.
Trụ: (xin xem Mạt Thương số 26) Kiệt: vua nhà Hạ (Tàu), có sức mạnh, giỏi võ nhưng ác, ăn xài quá mức, ham rượu và gái, mê nàng Muội Hỷ bỏ bê việc nước, bị vua Thang đem quân đánh bắt đày ra Nam Sào, dứt nhà Hạ, lập nên nhà Thương mà vua Trụ làm mất sau này.
Cơ đồ: sự nghiệp lớn, chỉ về đất nước.
Lửa thiêu: vua Trụ tự đốt mình tự tử, không để bị bắt.
Minh Vương: vị vua sáng suốt, tài đức, mà tín đồ PGHH tin Ngài là vị vua tương lai của Việt Nam.
Thuấn-Nghiêu: (Tàu - 2357-2256) trước Tây lịch. Vua Nghiêu họ Y Kỳ, tên Phong Huân, đóng đô ở Bình Dương, là vị vua hiền, chăm lo cho dân, sáng suốt, ngay thẳng, nước nhà thời đó rất yên vui. Vua Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn (2256-2208), tên Trùng Hoa, là người hiền, chớ không giao ngôi cho con. Vua Thuấn đóng đô ở Bồ Bản, tỉnh Sơn Tây ngày nay (Tàu).
Hiền đức: hiền, ngay thật, hay tha thứ, thương và giúp người, thương sanh vật.
Phụ giải:
Đóng đô: nơi vua đặt bộ máy cai trị.
--- oOo ---
30.-"Thương trần-thế kể sao cho xiết - Mượn xác-trần bút tả ít hàng - Kể rõ-ràng những việc lầm-than - Mặc làng xóm muốn nghe thì chép - Việc tu-tỉnh KHÙNG không có ép - Cho giấy vàng ĐIÊN chẳng có nài ".
Luận giải: (dòng 27 tới 32, trang 56)
Vì thương dân, Ngài xuống trần mượn xác phàm đi khắp nơi dạy Đạo cứu độ người đời, ngoài những lời giảng giải,Ngài còn viết rõ ra trên giấy trắng mực đen những điều hay lẽ phải, cách tạo cuộc sống hạnh phúc an vui. Ngàikhông nài ép hay bắt buộc ai phải ăn năn cải sửa, tu hành. Nhưng trong xóm làng, nếu ai tin tưởng thì chép lại dành khi rảnh rỗi lấy ra xem, Ngài cũng không nệ hà việc dùng giấy vàng trị bịnh, vì đây chỉ là phương tiện nhằm gây niềm tin để hướng dẫn người đời vào Phật Đạo mà thôi.
Nghĩa chữ khó:
Trần thế: xin xem số 5.
Lầm than: đói khổ, chịu đựng quá nhiều khó khăn.
Tu tỉnh: xét kỹ lòng thấy lỗi lầm, ráng từ bỏ và sửa đổi.
--- oOo ---
31.-"Lòng yêu dân chẳng nệ vắn dài - Cho bổn-đạo giải khuây niệm PHẬT - Việc xảy đến ĐÂY truyền sự thật - Ấy là lời của PHẬT giáo-khuyên".
Luận giải: (dòng 33 tới 36, trang 56)
Lòng thương yêu dân Ngài không nệ hà khó khăn, cực nhọc, đi khắp nơi nhắc nhở mọi người làm lành xa dữ, khuyên dạy niệm Phật tu hành và Ngài cũng báo trước những việc đau khổ sẽ xảy ra. Ngài mong sao ai nấy đều hiểu rằng những lời nói này là lời của Phật, không bao giờ sai trật.
Nghĩa chữ khó:
Nệ: quản ngại, e ngại.
Giáo khuyên - Khuyên nhủ hay Khuyến nhủ: chỉ dạy với lời lẽ dịu dàng mà không ép buộc.
--- oOo ---
32.-"Rán nghe lời của kẻ KHÙNG-ĐIÊN - PHẬT TIÊN THÁNH hãy nên trọng kỉnh - Bịnh ôn-dịch cũng đừng mời thỉnh -Cõi ngũ- hành chẳng khá réo-kêu- Hãy gìn lòng chớ khá dệt-thêu-Nói xiên-xỏ cũng không no béo".
Luận giải: (dòng 1 tới 6, trang 57)
Ngài khuyên dân rán nghe lời của Ngài mà kính trọng Phật, Tiên, Thánh; đừng kêu mời bịnh ôn dịch hay réo gọi ngũ hành về hại người; lòng lúc nào cũng phải giữ ngay thật, đừng nói thêm, không nói bớt hoặc nói xéo nói xiên, đó là thói xấu nên tránh.
Nghĩa chữ khó:
Phật - Tiên – Thánh: xin xem số 7 và 9.
Ôn dịch: ói mửa, tiêu chảy không ngừng, bịnh hay lây, dễ chết người vì cơ thể khô nước. Người nhà quê tin là thần ôn dịch phạt, nên cúng heo, bò, gà, cầu xin tha thứ.
Ngũ hành: năm chất cần thiết cho sự sinh hoá và sống còn của muôn loài vạn vật: Kim, hướng Tây, Mộc, hướng Đông, Thủy, hướng Bắc, Hoả, hướng Nam, Thổ, Trung ương. Người xưa tin theo chuyện Tàu, có năm vị Thần Tiên cai quản: Kim (kim loại) ở hướng Tây, thuộc Diêu Trì Kim Mẫu; Mộc (cây) thuộc Đông Huê Đế Quân; Thủy (nước) thuộc Bắc Huê Đế Quân; Hỏa (lửa) thuộc Nam Huê Đế Quân; Thổ (đất) thuộc Trung Huê Đế Quân. Năm vị rất có uy quyền, nên các bà hung ác hay kêu mời về trừng trị kẻ nào bị các bà thù, ghét.
Dệt thêu: việc khéo tay của phụ nữ. Nghĩa bóng chỉ những bịa đặt có ác ý, khéo thêm bớt, chuyện không nói có, làm cho người hiểu lầm mà giận hờn, thù ghét nhau.
Nói xiên xỏ: nói quanh co châm chọc ai đó nhưng không chỉ ngay người.
--- oOo ---
33.-"Đời Nguơn-Hạ ngày nay mỏng-mẻo - Khuyên thế-trần hãy rán kiêng-dè - Mặc tình ai lên ngựa xuống xe - Ta chẳng có ham nơi phú-qúi".
Luận giải: (dòng 7 tới 10, trang 57)
Vì đời Hạ Nguơn sắp dứt, nên Ngài khuyên dân hãy rán dè dặt, giữ gìn, mặc cho ai lên ngựa xuống xe, bởi công danh, sự nghiệp, tiền tài không phải là yếu tố mang hạnh phúc lại cho đời sống. Hãy nên yên phận, đừng ham của tiền, danh vọng mà làm điều sai trật.
Nghĩa chữ khó:
Nguơn Hạ - Hạ Ngươn - Hạ Nguyên: theo lịch số Đông phương (Bảng ghi ngày giờ năm tháng vận chuyển theo mặt trăng và một số ngôi sao) chia làm ba nguơn, mỗi nguơn là một thời kỳ, con người mỗi ngươn có cuộc sống khác biệt về đạo đức cũng như tánh tình:
- Thượng nguơn, con người hoàn toàn tốt, thế giới trong sạch, yên vui.
- Trung nguơn, con người bắt đầu hư, lơ là việc dưỡng tánh tu tâm, đời khởi sự có bụi dơ.
- Hạ nguơn, hiện chúng ta đang sống, con người quá tệ bạc, quá gian ác, xấu xa ... theo Phật giáo, thì cõi đời này là hạ ngươn, sắp chấm dứt để lập lại thượng ngươn.
Kiêng dè: giữ gìn ý tứ, dè dặt, e dè.
Lên ngựa xuống xe: chỉ sự giàu có sang trọng.
Phú qúi: giàu tiền của, sống sang trọng.
Phụ giải:
Sang trọng: vẻ cao quý, ăn xài rộng được đời nể trọng.
34.-"Trong bổn-đạo từ nay kim-chỉ - Đói với nghèo sắp đến bây giờ - Vì thương đời nên LÃO kể sơ - Cho bá-tánh rõ lời châu ngọc".
Luận giải: (dòng 11 tới 14, trang 57)
Anh chị em trong gia đình nhà Phật từ nay nên cần kiệm, đói với nghèo sắp tới bây giờ. Dầu thương dân nhưng vì không thể nói rõ sự sắp đặt của Trời, của Phật, Ngài chỉ kể sơ để người đời rán mà tìm hiểu ý nghĩa trong những lời khuyên quí báu này.
Nghĩa chữ khó:
Bổn đạo: đạo nhà. Nghĩa rộng: người trong đạo Phật, trong gia đình nhà Phật.
Kim chỉ: cây kim và sợi chỉ may tuy là vột nhỏ mọn, không đáng giá nhưng cũng nên gìn giữ, ngoài việc nói về sự khéo tay may vá của phụ nữ, ý ở đây khuyên nên cần kiệm, việc đáng mới xài, tiền của phải dành để phòng khi có việc cần, hoặc dùng giúp đỡ người.
Phụ giải:
Cần kiệm: tánh tốt của người biết xài tiền đúng lúc.
--- oOo ---
35.-"Nước NAM-VIỆT ai là thằng ngốc - Người đời nay như ốc mượn hồn - Chim tìm cây mới gọi chim khôn - Người hiền-đức mới là người trí".
Luận giải: (dòng 15 tới 18, trang 57)
Nhiều người chẳng lo nghĩ gì về tương lai đất nước, không quan tâm gìn giữ đạo lý của Tổ Tiên, không cần biết ngày mai sẽ ra sao, sống thu mình như loài ốc mượn hồn. Con chim khôn còn biết chọn cây to, cành chắc đậu, người khôn có trí óc phải xét nhìn thời thế, vận mạng quê hương dân tộc, tìm người tài đức theo giúp, hoặc chọn cho mình cuộc sống trong sạch, đạo đức, biết tìm Đạo chánh tu thân và trau sửa tâm hồn.
Nghĩa chữ khó:
Ngốc: ngu dại, kém trí khôn, kém suy xét và xử sự.
Ốc mượn hồn: loại tôm nhỏ, có đủ: râu, mắt, càng, que, nhưng thân mình như cục thịt, không vỏ cứng nên phải tìm vỏ ốc trống chui vào tránh các sinh vật khác ăn thịt. Tiếng Ốc mượn hồn chỉ loại người yếu đuối, lúc nào cũng cần sự che chở; sống co rút tìm yên thân.
Chim khôn: theo ý hai câu thơ xưa: "Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi" (ngựa Hồ hí gió bắc, chim Việt làm ổ cành Nam). Giống ngựa ở các xứ phía bắc nước Tàu bị đưa ra khỏi nước, khi gió bắc thổi, nhớ quê hương hí lên. Giống chim nước Việt thường làm ổ ở cành cây phía Nam, tức về hướng đất Việt. Nghĩa bóng: không quên nơi sanh đẻ và nguồn gốc của mình. Theo chuyện: Hớn Võ đế được nước Hồ (phía bắc nước Tàu) tặng con ngựa hay; ngựa đó nhớ xứ, buồn ít ăn uống và hí thê thảm mỗi khi có gió bắc. Đời Hùng Vương tặng vua Tàu một con trĩ trắng; chim ấy luôn chọn những cành cây chỉ về hướng Nam mà đậu.
Câu này theo chúng tôi, có nhiều ý:
- Người khôn không chạy theo những kẻ giàu sang có nhiều quyền thế mà gian ác;
- Người khôn không nên chạy theo sống nhờ với quân giặc cuớp đất nước mình;
- Nguời khôn biết chọn Chúa hiền để thờ, chọn Đạo chánh mà theo;
- Người khôn biết chọn cho mình cuộc sống và nghề nghiệp ngay thẳng, luôn giữ gìn đạo đức.
--- oOo ---
36.-"Theo PHÂT-GIÁO sau này cao-quí - Được nhìn xem NGỌC ĐẾ xử phân - Lại dựa kề Bệ- Ngọc Các-Lân - Cảnh phú quí nhờ ơn PHẬT- TỔ".
Luận giải: (dòng 19 tới 22, trang 57)
Bực tu hành ngay thật chắc chắn sẽ có cuộc sống an vui, được người đời quí trọng và ngày sau còn gần gũi, nhìn tận mắt sự phán xét của Ngọc Đế, đó là nhờ Phật Tổ ban bố đức ơn.
Nghĩa chữ khó:
Ngọc Đế hay Ngọc Hoàng, theo niềm tin dân gian là vua Trời đấng tạo ra muôn loài vạn vật.
Bệ Ngọc: bực thềm lên chỗ Ngọc Đế ngồi có cẩn ngọc.
Các Lân: gác chạm hình kỳ lân. Bệ ngọc các lân: chỉ nơi vua Trời ngồi.
--- oOo ---
37.-"Thấy bá tánh nhiều điều tai-khổ - KHÙNG thương dân nên phải hết lời - Dạo Lục-Châu chẳng có nghỉ-ngơi -Mà lê-thứ nào đâu có biết".
Luận giải: (dòng 23 tới 26, trang 57)
Thương người đời nhiều nạn khổ, Ngài đi khắp sáu tỉnh miền Nam, hết lời giảng dạy Đạo lý đến nỗi không có thì giờ nghỉ ngơi vậy mà có mấy ai hay biết.
Nghĩa chữ khó:
Tai khổ: tai họa và lao khổ: điều thiệt hại đến đời sống.
Lục châu: năm 1831 vua Minh Mạng ký sắc lịnh thành lập sáu châu ở miền Nam Việt Nam mà sau này kêu là tỉnh: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Phụ giải:
Lục Châu đến thời Pháp cai trị đổi thành 20 tỉnh: 1.- Gia Định. 2.- Châu Đốc. 3.- Hà Tiên. 4.- Rạch Giá. 5.- Trà Vinh. 6.- Sa Đéc. 7.- Bến Tre. 8.- Long Xuyên. 9.- Tân An. 10.- Sóc Trăng. 11.- Thủ Dầu Một. 12.- Tây Ninh. 13.-Biên Hoà. 14.- Mỹ Tho. 15.- Bà Rịa. 16.- Chợ Lớn. 17.- Vinh Long. 18.- Gò Công. 19.- Cần Thơ. 20.- Bạc Liêu.
--- oOo ---
38.-"Dạy Đạo chánh vì thương NAM-VIỆT - Ở CAO-MIÊN vì mến TẦN-HOÀNG - Trở về NAM đặng có sửa sang - Cho thiện-tín đuợc rành chơn lý".
Luận giải: (dòng 27 tới 30, trang 57)
Vì thương dân Việt nên Ngài hết lòng giảng dạy về nền Đạo của Đức Thích Ca, còn thời gian ở Cao Miên là mến vua nước này. Nay Ngài trở về Nam tiếp tục chỉ dạy cho người tin Phật hiểu biết thêm lý lẽ chơn chánh cùng ý nghĩa cao sâu của Phật giáo.
Nghĩa chữ khó:
Đạo Chánh: đường ngay; đạo chơn chánh.
Cao Miên: Cam Bốt - Khờ Me - Campuchia ngày nay.
Tần Hoàng: chỉ vua Cao Miên.
Thiện tín: nam nữ lòng lành tin Phật, ở nhà vừa làm ăn vừa tu học.
Chơn lý: lẽ thiệt, lẽ đúng đắn của sự việc, của nền đạo.
--- oOo ---
39.-"Trong Sáu Tỉnh nhiều điều tà-mị - Tu hành mà vị kỷ quá chừng - Thì làm sao thoát khỏi trầm luân - Khuyên bổn đạo rán tầm nẻo chánh -Chừng lập Hội xác thân mới rảnh - Nếu không thời khó thấy PHẬT TRỜI".
Luận giải: (dòng 31 tới 36, trang 57)
Miền Nam có nhiều nhà tu làm điều sai trật, gian dối, chỉ lo nghĩ về mình, tu cách đó tránh sao khỏi ngập chìm trong biển khổ. Ngài khuyên những ai tu Phật nên rán giữ gìn đường ngay lẽ chánh, một lòng thành thật sớm tối kệ kinh làm đúng lời Phật dạy, được như vậy, đến ngày lập Hội thân xác mới còn, bằng không, khó sống để thấy sự thưởng phạt của Phật Trời.
Nghĩa chữ khó:
Tà mị: gian dối.
Lập Hội: Hội của Phật Trời lựa chọn người hiền đức. Nghĩa bóng chỉ người tu cũng phải trải qua một cuộc "thi cử" gay go, ai thiếu tài đức không qua được Hội này. Theo PGHH, lập Hội Long Vân - Hội Mây Rồng - Hội Long Hoa để chọn người hiền đức. Có một giải thích khác: Hội Long Hoa, do Phật Di Lạc khai hội dưới cội Long Hoa. (3 hội, theo Kinh Tâm Địa Quán).
Vị kỷ: ích kỷ, chỉ lo cho riêng mình.
Trầm luân: chìm trong biển khổ nhiều kiếp.
--- oOo ---
40.-"KHÙNG dạy dân chẳng dám nghỉ ngơi - Đi chẳng kể tấm thân già cả - Cảnh trần thế mặc ai thong thả - Chớ lòng ta chẳng đắm hồng trần".
Luận giải: (dòng 1 tới 4, trang 58)
Thương dân Ngài không nài cực khổ, chẳng kể thân già yếu, đi khắp nơi dạy Đạo không dám nghỉ ngơi. Ở thế gian mặc ai tìm hưởng sang giàu, thong thả, riêng Ngài, lòng không vương chút bụi hồng.
Nghĩa chữ khó:
Đắm: chìm xuống đáy nước. Nghĩa bóng: mê, say.
Hồng trần: bụi cát đỏ hung hung, bụi hồng. Nghĩa bóng chỉ cõi đời bụi cát, lăng xăng, ồn ào.
--- oOo ---
41.-"Có thân thì rán giữ lấy thân - Để đến việc ăn năn chẳng kịp - Yêu những kẻ tâm đầu ý hiệp - Mến những ai biết kiếm Đạo mầu - Cảnh TÂY-THIÊN báu ngọc đài * (đầy) lầu - Rán tu tỉnh tìm nơi an dưỡng".
Luận giải: (dòng 5 tới 10, trang 58)
Người đời rán giữ gìn cuộc sống của mình cho lành mạnh để về sau khỏi phải ăn năn hối tiếc. Nên mến yêu bạn đồng tâm ý, biết sống đạo hạnh, để cùng nhau đạt đến an vui, thảnh thơi an tịnh.
- * Ấn bản 1998 in đầy lầu.
Nghĩa chữ khó:
Ăn năn: tiếc đã làm lỗi nên quyết cải sửa.
Tâm đầu ý hiệp: hợp ý và hiểu nhau; cùng những tình cảm và cách suy nghĩ giống nhau.
Tu tỉnh: tự xét thấy lỗi lầm nên quyết tâm sửa đổi.
Tây Thiên: Trời Tây, hay Tây Trúc, Thiên Trúc, Tây vực, chỉ nơi Đức Phật giáng sanh. Nghĩa bóng chỉ nơi hoàn toàn trong sạch, không lo buồn, không đau khổ !
An dưỡng: nghỉ ngơi, tâm trí rảnh rang.
--- oOo ---
42.-"Kẻ hiền đức sau này được hưởng - Phép Thần Linh của ĐỨC DI-ĐÀ - Lại được thêm thoát khỏi TA BÀ - Khỏi luân chuyển trong vòng Lục Đạo".
Luận giải: (dòng 11 tới 14, trang 58)
Đạo Phật ra đời là để cứu khổ người đời, nên các bực tu hành hiền đức, thành lòng học Đạo sẽ nhờ ơn Đức Phật A Di Đà cứu độ, thoát cõi Ta Bà, khỏi phải luân chuyển trong sáu nẻo luân hồi nữa.
Nghĩa chữ khó:
Hiền đức: hiền, ngay thật, rộng lòng tha thứ, vui vẻ giúp người bằng tình thương, trọng sanh mạng thú vật.
Phép thần linh: sức mạnh vô hình về tài phép của Phật.
Ta Bà: là Kham nhẫn. Kham: có thể chịu đựng được. Nhẫn: nhận chịu, cam chịu. Vì cõi ta bà này quá nhiều người tham ác, một thế giới bụi dơ rất khó tu, do đó cần có đức kiên nhẫn chịu đựng được mọi sự khổ.
Luân chuyển: thay đổi, xoay chuyển như bánh xe quay giáp vòng rồi lại tiếp tục.
Lục Đạo: sáu đường luân hồi: 1.- Thiên (Tiên). 2.- A tu la (Thần). 3.- Nhơn (Người) 4.- Địa ngục (Nhà tù cõi âm phủ). 5.- Ngạ quỉ (Ma đói). 6.- Súc sanh (Thú vật).
Phụ giải:
Luân hồi - Luân: bánh xe quay theo vòng tròn. Hồi: quay lại, trở về.
--- oOo ---
43.-"ĐỨC DIÊM CHÚA yêu người hiền thảo - Trọng những ai biết niệm DI-ĐÀ - Lại được gần Bệ Ngọc Long Xa - Coi chư quốc tranh giành châu báu".
Luận giải: (dòng 15 tới 18, trang 58)
Đức Diêm Vương thương người hiền đức, hiếu thảo, và cũng trọng những ai thành lòng niệm tưởng Phật, ngay thật tu hành, vì những vị này ngày sau sẽ được dựa kề bệ ngọc xem các nước tranh giành quyền lợi.
Nghĩa chữ khó:
Long xa: xe chạm rồng của vua dùng.
--- oOo ---
44.-"Trai nhỏ tuổi kính thành trưởng lão - Gái bé thơ biết trọng tuổi già - Rán tỉnh tâm dẹp được lòng tà - Thì được thấy PHẬT,TIÊN, THẦN, THÁNH".
Luận giải: (dòng 19 tới 22, trang 58)
Ngài khuyên trai cùng gái phải biết kính trọng các bực tu hành với người cao tuổi. Ngài cũng khuyên thế nhân nên tỉnh tâm xét kỹ lại lòng để sửa bỏ điều sai quấy, rồi rán tu và làm hiền; được vậy mới hy vọng sống còn nhìn Phật, Tiên, Thần, Thánh.
Nghĩa chữ khó:
Trưởng lão: các vị đạo đức cao; người già nhiều tuổi.
Tỉnh tâm: xin xem số 5.
Lòng tà: lòng không ngay thẳng; tính toán gian dối, suy nghĩ điều sai quấy, tính điều ác.
--- oOo ---
45.-"Việc hung dữ hãy nên xa lánh - Theo gương hiền trau sửa làm người - Sau tà tinh ăn sống nuốt tươi - Mà bá tánh chẳng lo cải thiện".
Luận giải: (dòng 23 tới 26, trang 58)
Đừng làm điều hung ác, nên noi theo gương các bực Thánh Hiền mà sửa tánh răn lòng để trở thành người xứng đáng. Sau này dân chúng sẽ vô cùng đau khổ, bị giết hại bởi một loại người mang trái tim độc ác của loài quỉ dữ; chỉ những ai tu hành hiền đức mới hy vọng tránh khỏi tai nạn vô cùng to lớn này để sống còn.
Nghĩa chữ khó:
Gương hiền: gương hay tốt của các bực Thánh hiền.
Cải thiện: sửa đổi cho tốt hơn.
Hiền: người hiền lành, ngay thật, hay tha thứ và thương giúp đỡ người, thương sanh vật.
--- oOo ---
46.-"Miệng dương thế hay bày nói huyễn - Sách THÁNH HIỀN ghét kẻ nhiều lời - Khuyên chúng-sanh niệm PHẬT coi đời - Cõi Hạ-Giái rồng mây chơi giỡn".
Luận giải: (dòng 27 tới 30, trang 58)
Người đời vì tánh hiếu kỳ thường hay truyền miệng với nhau những mẩu chuyện tưởng tượng, khó tin, sách Thánh Hiền đâu có khen kẻ nhiều lời đó. Vì vậy, Ngài khuyên dân niệm Phật để tỉnh tâm, ở ăn ngay thật, suy nghĩ kỹ và lựa lời trước khi nói; cố gắng làm hiền, tránh xa việc dữ, khép mình vào đường tu Phật thì cõi trần thế này sẽ được hài hòa, an vui hạnh phúc.
Nghĩa chữ khó:
Huyễn: chuyện viễn vông không có thật, khó tin.
Hạ giái: cõi trần, nơi người đời sống.
Rồng mây chơi giỡn: sự hài hòa, vui vẻ, theo niềm tin dân gian, rồng mây gặp nhau sẽ đem mưa móc cho đời.
Phụ giải:
Hiếu kỳ: ưa thích việc lạ, tọc mạch tò mò.
Hài hòa: sự kết hợp tốt đẹp giữa các thành phần.
Mưa móc: mưa và sương. Nghĩa bóng: được ơn trên ban ân phước.
--- oOo ---
47.-"Ở chòm-xóm đừng cho nhơ-bợn - Ráng giữ gìn phong-hóa nước nhà - Câu tam-tùng bọn gái nước ta - Chữ hiếu-nghĩa trẻ trai cho vẹn - Ghét những kẻ có ăn bỏn-xẻn - Thương những người đói rách lương hiền".
Luận giải: (dòng 31 tới 36, trang 58)
Ở với xóm làng đừng có bụng tham xin món này vật nọ; rán giữ gìn những thói quen, lệ luật tốt của nước nhà. Người phụ nữ Việt Nam khi còn ở nhà phải phụng thờ Cha Mẹ, lúc có chồng thì hết dạ lo cho chồng con, lo cho Cha Mẹ chồng, chẳng may chồng chết, phải lo đạo hiếu thay chồng và dạy dỗ các con. Phận làm trai, ngoài đạo hiếu còn trách nhiệm gìn giữ Tổ quốc quê hương, ở ăn ngay thật, mở rộng lòng thương giúp đỡ và sẵn sàng binh vực người yếu thế, người nghèo đói, người thiếu may mắn. Ở đời không ai ưa hạng người tánh ý hẹp hòi, có của tiền dư mà keo kiệt, ai sống chết mặc tình.
Nghĩa chữ khó:
Nhơ bợn: xin xỏ, hay nhờ vả; tham và hay cắp vặt.
Phong hóa: thói quen tốt, hay, trong đời sống lâu ngày thành nề nếp của đất nước, của xóm làng.
Tam tùng: theo đạo Khổng - vẫn còn giá trị đến nay - người đàn bà có ba điều phải giữ:
1.- Ở nhà: nghe lời chỉ dạy của cha (tại gia tùng phụ)
2.- Có chồng: nghe theo chồng (xuất giá tùng phu)
3.- Chồng chết: sống với con (phu tử tùng tử)
Hiếu nghĩa: hiếu thảo và đạo nghĩa.
Bỏn xẻn: keo kiệt, hà tiện quá mức, xấu về tiền bạc.
Trách nhiệm: điều phải làm, phải nhận lấy về mình.
Phụ giải:
Hiếu thảo: chăm sóc, dưỡng nuôi, kính trọng, không làm điều gì để Ông Bà Cha Mẹ buồn.
Đạo nghĩa: điều hợp với lẽ phải và đạo lý.
--- oOo ---
48.-"Muốn tu-hành thì phải cần-chuyên - Tưởng nhớ PHẬT chớ nên sái buổi - Kẻ phú- quí đừng vong cơm nguội - Sau đói lòng chẳng có mà dùng".
Luận giải: (dòng 1 tới 4, trang 59)
Muốn tu trước hết phải thành ý và nghiêm chỉnh hành đạo, siêng năng, giữ đúng giờ niệm tưởng Phật, lòng lúc nào cũng ghi nhớ lời Phật dạy. Về đời sống, cần phải tiết kiệm, đừng bỏ cơm dư kẻo ngày sau đói lòng e không có cơm nguội mà ăn.
Nghĩa chữ khó:
Cần chuyên: chăm chú vào việc làm, không xao lãng.
Vong: quên. Nghĩa ở đây là đổ bỏ cơm dư.
Phú quí: xin xem số 33.
Phụ giải:
Tiết kiệm: ăn xài dè dặt, biết dành để, không xài bừa bãi.
--- oOo ---
49.-"Ta yêu đời than-thở chẳng cùng - Mà bá tánh chẳng theo học hỏi - A-DI-ĐÀ nhìn xem khắp cõi - Đặng trông chờ mong-mỏi chúng- sanh".
Luận giải: (dòng 5 tới 8, trang 59)
Ngài thương dân nên không ngớt lời khuyên bảo, nhưng chẳng mấy ai chịu nghe mà học hỏi điều Phật dạy. Đức Phật A Di Đà dùng huệ nhãn nhìn khắp nơi mỏi lòng mong chúng sanh sớm thức tỉnh lo tu hành.
Nghĩa chữ khó:
Chúng sanh: những loài có sanh có chết rồi lại sanh. Chỉ chung con người và sanh vật có sự sống.
Phụ giải:
Huệ nhãn: mắt huệ, sự thấy bằng trí huệ.
Tỉnh thức - Thức tỉnh: gợi ra, làm thức dậy cái tư tưởng hay tình cảm tiềm tàng trong lòng. Theo nhà Phật làGiác ngộ. Nghĩa thông thường là thức dây, tỉnh dậy sau cơn mê, thấy biết mình sai lầm mà cố gắng sửa đổi.
Tiềm tàng: ở tình trạng còn ẩn kín, chưa bộc lộ ra.
--- oOo ---
50.-"Hiện hào-quang ngũ sắc hiền lành - Đặng tìm kiếm những người hiền-đức - Kẻ tâm trí mau mau tỉnh thức - Kiếm Đạo mầu đặng có hưởng nhờ".
Luận giải: (dòng 9 tới 12, trang 59)
Đức Phật A Di Đà chiếu hào quang năm sắc soi khắp bốn phương tìm người ngay thật, hiền lành, dày công tu niệm độ về cõi an vui của Ngài. Con người sáng suốt nhứt trong muôn loài vạn vật, bởi con người có trí huệ, nên dùng trí huệ suy nghĩ, sớm thức tỉnh tìm chánh Đạo tu hành để được hưởng nhờ ngày sau.
Nghĩa chữ khó:
Hào quang: ánh sáng tỏa ra bốn bên. Ánh sáng trí huệ của các bực tu đắc đạo.
Ngũ sắc: năm màu.
Hiền đức: xin xem số 42.
Đạo mầu: đạo lý cao sâu, hay quí, khó đủ lời giải thích.
--- oOo ---
EmoticonEmoticon